Bài tuyên truyền phòng, chống ngộ độc thực phẩm do Clostridium botulinum
Trong thời gian qua, cả nước ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum (C.botulinum), làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị; trong đó đã có trường hợp tử vong. Ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là do người bệnh ăn, uống các loại thực phẩm có chứa chủng vi khuẩn Clostridium sinh ra các độc tố botulinum.
Vì vi khuẩn C.botulinum phổ biến trong môi trường tự nhiên nên có khả năng lây nhiễm trong các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thực phẩm. Đặc biệt, các loại thực phẩm dạng đóng hộp có nguy cơ gây ngộ độc cao hơn như: Sữa bột, pho mát, xúc xích, lạp xưởng, thực phẩm lên men yếm khí...
Các biểu hiện của ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra như: Sau khi ăn, uống phải thực phẩm có vi khuẩn C.botulinum; các triệu chứng thường xuất hiện sau 4 giờ đến 8 ngày, người bệnh sẽ có những biểu hiện như: Đầy bụng, buồn nôn, nôn, nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, yếu ớt, da khô; thường ít tiêu chảy; không sốt hoặc sốt nhẹ, không rối loạn ý thức. Sau đó xuất hiện triệu chứng thần kinh điển hình như: Liệt cơ mắt (giãn đồng tử, mất phản xạ ánh sáng, viễn thị, lác mắt, nhìn đôi); liệt màn hầu, co thắt họng (nghẹn, sặc đường mũi, nhai nuốt khó khăn); liệt cơ thanh quản (nói khàn, giọng mũi, nói nhỏ, nói không thành tiếng).
Bệnh thường kéo dài từ 4-8 ngày. Người bị ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum tiên lượng rất nặng, tỉ lệ tử vong cao, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ chết sau 3 – 4 ngày. Nếu được điều trị khỏi, khả năng hồi phục tương đối chậm, thường để lại di chứng kéo dài.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần lưu ý một số khuyến cáo của Bộ Y tế:
Thứ nhất, trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt.
Thứ hai, chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường; thực hiện ăn chín, uống chín, ưu tiên ăn các thực phẩm mới chế biến, mới nấu chín; không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối...) cần đảm bảo phải chua, mặn.
Thứ 3, khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời; nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đồng Tháp
Thông báo tuyển sinh lớp đào tạo chuyên khoa cơ bản "Nhãn khoa cơ bản" khóa 4 (CV330)
Thông báo tuyển sinh lớp đào tạo chuyên khoa cơ bản "Gây mê hồi sức cơ bản" khóa 2 (CV328)
Thông báo tuyển sinh lớp đào tạo chuyên khoa cơ bản "Chuẩn đoán hình ảnh cơ bản" khóa 2 (CV327)
Bệnh viện Bạch Mai điều chỉnh thời gian tổ chức hội thảo thuộc Đề án KCB từ xa 2025 (CV3486)
Bệnh viện Bạch Mai thông báo tổ chức chuỗi hội thảo khoa học (CV3419)